Kỷ niệm cung hiến Nhà thờ Chính toà Xã Đoài

GPVO (3/3/2023) – Nhà thờ là nơi Thiên Chúa ngự trị. Chính nơi đây, Thiên Chúa tụ họp dân Ngài để họ chúc tụng, ngợi khen tôn vinh Danh Thánh, cùng nhau chia sẻ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Nhà thờ cũng là nơi con người đến để gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau trong tình yêu.

Vào dịp kỷ niệm lễ cung hiến nhà thờ Chính tòa Giáo phận Vinh, lúc 5h00 sáng thứ Sáu 3/3/2023, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên đã cử hành thánh lễ trọng thể.

Hiệp dâng thánh lễ có cha quản hạt Phaolô Nguyễn Văn Hiểu, cha phó Giuse Nguyễn Đức Kiên, thầy phó tế, quý tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa.

Thánh lễ kỷ niệm ngày cung hiến là dịp nhớ ơn Đức cha quá cố Phaolô Maria Cao Đình Thuyên và các bậc tiền nhân đã nhiệt thành hy sinh xây dựng nên ngôi thánh đường này. Đây cũng là dịp nhắc nhở tín hữu về bổn phận phải giữ gìn đền thờ tâm hồn.

Xã Đoài là xứ mẹ có truyền thống lịch sử đạo hạnh lâu đời, hãnh diện và tự hào là trụ sở Giáo phận Vinh kể từ ngày thành lập. Đây là giáo xứ có gần 400 năm hình thành và phát triển, trải qua biết bao thăng trầm nhưng cộng đoàn nơi đây vẫn kiên trung bám trụ để gìn giữ kho tàng đức tin.

Theo sử sách, năm 1681, cha Martinô Mật được bổ nhiệm làm mục vụ vùng phía bắc tỉnh Nghệ An. Ngài chọn vùng đất Bùi Chu ngày nay làm trụ sở truyền giáo. Sau Kẻ Rùm là giáo xứ đầu tiên của Giáo phận Vinh thì giáo xứ Bùi Chu tức Xã Đoài ngày nay là một giáo xứ lớn của vùng này. Trong hai thế kỷ XVII và XVIII, đạo Công giáo vùng Xã Đoài phát triển mạnh ở mấy làng bờ tây kênh Gai như Trang Nứa, Bùi Chu, Bùi Ngõa… Trang Nứa là nơi có Tiểu Chủng viện đầu tiên và cũng là nơi lẩn trốn của các giám mục thời kỳ bách hại.

Giáo phận được thành lập ngày 27/3/1846, Xã Đoài là một trong 18 xứ mẹ và được Đức cha Ngô Gia Hậu chọn làm xứ Chính tòa. Năm 1844, hai năm trước ngày thành lập Giáo phận, xứ Xã Đoài có tên là xứ hạt Làng Đoài với khoảng 5.000 giáo dân.

Năm 1868, sau khi Đức cha Gauthier Ngô Gia Hậu và ông Nguyễn Trường Tộ từ Pháp trở về, ngài đã chuyển dời trụ sở Giáo phận sang phía đông kênh Gai, hình thành khu vực Xã Đoài như hiện nay. Năm 1852, địa giới giáo xứ Xã Đoài bao trùm một vùng rộng lớn gồm các xứ Kẻ Gai, Bố Sơn, Trang Nứa, Bùi Ngõa, Mỹ Yên, Xuân Mỹ, Mẫu Lâm, Nhân Hòa, Bình Thuận và Trung Hậu ngày nay.

Theo niên giám Giáo phận Nam Đàng Ngoài năm 1882, xứ Xã Đoài gồm có 27 giáo họ. Trong thời gian xảy ra nạn “Phân Tháp” và Văn Thân, người có đạo từ nhiều nơi chạy về Nhà Chung để nương náu và định cư tại đây nền số giáo dân Xã Đoài ngày một thêm đông.

Sau hiệp định Genève, khoảng 25% tín hữu Xã Đoài lên đường di cư vào miền Nam, đông nhất là giáo họ Đức Thành khoảng 75%, giáo họ Tân Hưng gần 50%, phần lớn định cư tại giáo xứ Xã Đoài, giáo phận Buôn Ma Thuột (Đắk Mil, Đắk Nông).

Trong giai đoạn chiến tranh, Nhà thờ Chính tòa bị bom xóa sổ trong buổi chiều ngày 21/7/1968. Tiểu Chủng viện Xã Đoài, Tòa Giám mục, Dòng Mến Thánh Giá trở nên bình địa, không có giáo họ nào trong xứ thoát khỏi bom đạn.

Ngày 13/10/1977, nhà thờ Xã Đoài bắt đầu được tái thiết do cha quản lý Phaolô Cao Đình Thuyên coi sóc và cung hiến ngày 3/3/1979, ngay trước ngày tấn phong Đức cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp (1979-2004), ngày 4/3/1979. Giai đoạn này trở đi, đời sống giáo xứ có nhiều biến chuyển, nhất là giai đoạn cuối những năm 80 và đầu những năm 90 thế kỷ XX, các sinh hoạt tôn giáo khởi sắc với nhiều sự kiện thu hút như năm thánh 1991-1992, năm thánh 2000…

Hiện nay, nhà thờ Chính tòa Xã Đoài tọa lạc tại xóm Quyết Thắng, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Giáo xứ gồm 3 giáo họ là Bùi Chu, Xã Đoài, Ngọc Thành. Theo báo cáo tất niên 2022, giáo xứ Chính tòa Xã Đoài có 5.787 giáo dân.

Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phụ tá chia sẻ với cộng đoàn về ý nghĩa của đền thờ trong đời sống đức tín của nguời Kitô hữu, đặc biệt qua bài chia sẻ ngài nhấn mạnh với cộng đoàn ý thức đền thờ nơi tâm hồn của mỗi người. Đền thờ hay nhà thờ là nơi để thờ phượng, là nơi để các tín hữu họp lại để cảm tạ Chúa và cử hành các mầu nhiệm đức tin.

Bản thân mỗi người là đền thờ cao quý hơn mọi đền thờ trên khắp thế gian bởi mỗi người là những đền thờ sống động, có linh hồn, có trí khôn, không phải bằng gỗ đá vô tri, được chính Ba Ngôi Thiên Chúa xây dựng nên theo hình ảnh Người; được Chúa Giêsu đổ máu thánh ra cứu chuộc, được Chúa Thánh Thần thánh hiến trong ngày lãnh bí tích Rửa tội và Thêm sức, được Chúa Giê-su tô điểm và bồi dưỡng bằng Lời hằng sống cũng như bằng chính Thịt Máu Ngài và nhất là mai sau được đưa lên cõi trời vinh hiển.

Tâm Quảng