Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII tổ chức chuyên đề về Công đồng Vatican II

GPVO (5/3/2023) – “Hãy mở những cánh cửa sổ ra. Hãy tìm hiểu nhìn xem những dấu chỉ thời đại. Hãy lắng nghe con người và tìm hiểu những suy nghĩ thắc mắc của họ” (Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII). Đó là lời hiệu triệu thời danh có tính chất ngôn sứ được một vị Giáo hoàng “già nua” nhưng lại “tràn trề sức sống thần thiêng” công bố khi ngài triệu tập Công đồng Vatican II trước sự ngạc nhiên bỡ ngỡ của toàn thể Giáo hội. Công đồng như một cuộc “Hiện xuống” mới đã thổi làn gió tươi mát của Chúa Thánh Thần, phục giá cho những linh đạo trệch đi với diệu cảm nguyên thủy và làm thay đổi hầu như toàn diện bộ mặt đời sống đức tin của Giáo hội. Hơn nửa thế kỷ nhìn lại, chúng ta thấy tính thời sự của Công đồng vẫn vẹn nguyên; chính vì thế, Công đồng đã trở thành lối đi chung cho toàn thể dân thánh. Trong bối cảnh Giáo hội hiệp hành, mọi tín hữu đều được mời gọi làm mới lại cảm thức thuộc về Giáo hội, hâm nóng nhiệt tâm thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng dưới ánh sáng Công đồng Vatican II. Thiết nghĩ, điều này lại càng cấp thiết và quan trọng bội phần đối với người tu sĩ. Đó chính là lý do mà Ban Điều hành của Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã mời Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục Phụ tá Giáo phận Vinh đến chia sẻ buổi tọa đàm với chuyên đề: “VATICAN II – TRỞ VỀ NGUỒN, ĐỌC DẤU CHỈ VÀ ĐỔI MỚI” cho các học viên vào sáng thứ Bảy ngày 4/3/2023.

Đúng 8 giờ sáng, 149 học viên thuộc bảy hội dòng đã có mặt đông đủ, làm nên một vườn hoa đa sắc màu trong vườn hoa thánh hiến của Giáo phận. Sau khi hát kính Chúa Thánh Thần – Đấng Khơi Nguồn mọi luồng gió thánh thiêng mới mẻ trong đời sống của Hội Thánh – cha Giám đốc Phaolô Nguyễn Thiện Tạo đã có lời chào đón Đức cha Phêrô trong không khí háo hức của các học viên và một số giáo sư của Học viện.

Trước khi dẫn vào Công đồng Vatican II, Đức cha Phêrô đã khái quát vắn gọn 20 công đồng trong lịch sử để giúp các tham dự viên có một cái nhìn tổng thể và liên kết được những mắt xích quan trọng trong truyền thống của Giáo hội. Rồi ngài nói lên bối cảnh mà Công đồng Vatican II được triệu tập, các tham dự viên cũng như những kỳ họp lâu dài của Công đồng. Có thể nói, 16 văn kiện được đúc kết của Công đồng Vatican II được ví như một sự “chưng cất tinh ròng” giữa biển tài liệu. Theo lời Đức cha, từ 28 tấn giấy được soạn thảo, biên tập thì chỉ đi đến một cuốn Công đồng nặng tầm hơn 1 kg. Các văn kiện này là sự kết tinh của thánh thiêng và hiện sinh, là sự móc nối của quá khứ, hiện tại đến tương lai. Chính vì thế, cần trở về nguồn, đọc dấu chỉ và đổi mới theo tinh thần của Công đồng.

Tiếp đến, với nguồn kiến thức nghiên cứu sâu rộng, tài thuyết giảng tự nhiên cùng với khiếu hài hước qua các câu chuyện dí dỏm, Đức cha Phêrô đã đem các tham dự viên đi sâu vào những nốt son của Công đồng, ý niệm về mặc khải và truyền thống, tìm hiểu nội dung căn cốt của các văn kiện, khám phá mô hình Giáo hội dưới lăng kính trở về nguồn (resourcement) và đổi mới (aggiornamento). Đức cha đã làm sáng tỏ hai thuật ngữ căn bản trên, cũng chính là hai thái cực đối kháng giữa nhóm bảo thủ và nhóm cấp tiến trong quan điểm về Giáo hội học mà Công đồng đã có công hòa hợp được. Cuối cùng, Đức cha đã gói gọn nội dung chính của bài thuyết trình trong một lược đồ mới mẻ và cô đọng về Công đồng Vatican II, giúp các tham dự viên nắm được điều cốt yếu cần phải ghi nhớ.

Như vậy, qua chuyên đề “Vatican II – Trở về nguồn, đọc dấu chỉ và đổi mới”, Đức cha Phêrô đã cho thấy rằng: “Giáo hội là thực thể sống, Giáo hội đang lớn lên. Với Công đồng Vatican II, Giáo hội mạnh mẽ quả quyết về cách thế hiện diện và vai trò của mình giữa các thực tại trần thế”. Vatican II quả thực như một nước cờ tuyệt vời mà Thiên Chúa đã chỉ cho vị thánh bổn mạng của Học viện và như thế, không hẹn mà hò, các học viên của Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII lại càng phải đào sâu thêm kiến thức về Công đồng.

Buổi tọa đàm kết thúc với phần cảm ơn long trọng của một tham dự viên dành cho Đức cha Phêrô. Ước mong rằng tinh thần của Công đồng Vatican II sẽ trở thành kim chỉ nam dẫn đường chỉ lối cho các nữ tu sĩ trẻ vững bước trên các nẻo đường sứ vụ phía trước với những dấu chân hiệp hành in đậm vào lòng thế giới bởi như lời nhận định của Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI: “Vatican II tạo nên một địa bàn chắc chắn cho ngàn năm thứ ba trong hành trình tiến về trời mới đất mới của đoàn dân thánh lữ hành”.

Maria Diệu Huyền, MTG Vinh
Học viên Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII