Giáo xứ Trung Song: Thánh lễ cao điểm tuần chầu đền tạ

GPVO (7/3/2023) – Sách Giáo lý Công giáo số 1322 viết rằng: “Bí tích Thánh Thể là chính hy tế Mình và Máu của Chúa Giêsu mà Người đã thiết lập để lưu tồn hy tế thập giá của Người qua bao thế kỷ cho đến khi Người lại đến. Như thế, Người ủy thác cho Hội thánh việc tưởng nhớ cái chết và cuộc Phục sinh của Người. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ hợp nhất, dây bác ái, bữa tiệc Vượt qua, nơi chúng ta lãnh nhận Ðức Kitô, linh hồn được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm cho đời sống vĩnh cửu”. Quả vậy, bí tích Thánh Thể chính là bảo chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại. Nhờ hiệu quả của bí tích Thánh Thể, người Kitô hữu được gắn bó cách mật thiết với Chúa Giêsu để nhờ Người và trong Người chúng ta can đảm ra đi trở nên những chứng nhân cho Chúa ngay giữa lòng đời.

Vào lúc 8h00′, sáng Chúa nhật II Mùa Chay ngày 5/3/2023, giáo xứ Trung Song đã long trọng tổ chức thánh lễ cao điểm tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể. Hiệp dâng thánh lễ có cha Antôn Nguyễn Văn Đính, quản hạt Đông Tháp; cha quản xứ Giuse Phan Sỹ Phương, quý cha trong và ngoài giáo hạt, quý thầy phó tế, quý tu sĩ nam nữ cùng cộng đoàn dân Chúa.

Theo truyền khẩu, cách đây khoảng 300 năm, mảnh đất Trung Song đã đón nhận hạt giống Tin Mừng. Theo tài liệu của linh mục Tiến sỹ Sử học Trương Bá Cần thì Trung Song có thể đã là một trong những nơi trú ngụ của các nhà truyền giáo thời cấm cách đạo (x. Trương Bá Cần, Lịch sử Giáo phận Vinh 1946-1996, Nxb. Tp.HCM, năm 1998, tr.243 và lời giới thiệu về họ đạo Trung Song).

Điều này rất đáng tin vì theo truyền khẩu và sử liệu, ở Trung Song đã có đến vài ba lần các tín hữu bị tử đạo tập thể, khủng khiếp nhất là vụ tàn sát của Văn Thân vào năm 1885. Con số tử đạo lên tới hàng trăm người. Chứng cứ lịch sử còn lại là ngôi mộ tử đạo tập thể trước sân thánh đường.

Giáo phụ Tertulianô nói: “Máu các thánh tử đạo làm nên hạt giống đức tin”. Quả đúng như vậy, dầu người tín hữu nơi đây có bị sát hại như thế, dầu nhà nguyện có bị thiêu đốt hay hư hỏng đôi ba lần, người tín hữu nơi đây vẫn một lòng trung kiên với Chúa, vẫn xoay xở tìm cách dựng xây và nhờ Chúa quan phòng họ lại có được các ngôi thánh đường khác để tiếp tục phụng thờ Thiên Chúa và truyền giao đức tin lại cho các thế hệ con cháu.

Mặc dù đón nhận hạt giống Tin mừng khá sớm nhưng từ hơn 120 năm về trước, Trung Song là một giáo họ của xứ Đông Thành hay Phi Lộc ngày nay. Hơn 120 năm trở lại đây, Trung Song vẫn là một giáo họ thuộc xứ Phú Linh – một giáo xứ tách ra từ Phi Lộc. Khát vọng sâu xa của con người là đạt tới sự trưởng thành, được tự do và tự quyết. Điều này hẳn cũng có trong ý thức của tập thể tín hữu Trung Song. Ngày 10/5/2007, Đức cha Phaolô Maria đã đáp lại nỗi chờ mong đó khi ra quyết định tách họ đạo Trung Song, Tân Dạ và Thiên Tước với tổng số giáo dân là 2.554 người ra khỏi giáo xứ Phú Linh và lập thành giáo xứ Trung Song.

Trong bài giảng lễ, cha Antôn Trần Văn Niên đã chia sẻ căn tính và sứ mạng của người Kitô hữu trong việc loan báo Tin mừng. Sứ mạng loan báo Tin mừng bắt nguồn từ lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin mừng cho muôn loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Vì thế, là người Kitô hữu, mỗi người đều có trách nhiệm đem lời Chúa đến với mọi người trong bậc sống của chính mình. Trong biến cố Chúa tỏ mình ra cho ba môn đệ (x. Mt 17, 1-9), chính Người đã cho các ông chiêm ngưỡng dung nhan thánh thiện của Người. Chính điều đó, là mẫu chốt để các môn đệ can đảm ra đi xuống núi đến với mọi người, chia sẻ niềm vui của Tin mừng. Dẫu biết hành trình loan báo Tin mừng đầy rẫy những khó khăn, thử thách và gian nan nhưng với ơn Chúa, mỗi người gắn kết mật thiết với Người để mang niềm vui đến với đồng loại.

Sau thánh lễ, quý cha và cộng đoàn hiện diện cùng hiệp nguyện trong giờ chầu Thánh Thể. Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể là mỗi lần chúng ta suy niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô, từ Nhập Thể đến Phục Sinh và sự trở lại trong vinh quang của Người. Ước gì mỗi người kín múc được nguồn ơn thánh cao trọng để nuôi dưỡng tâm hồn và làm chứng về tình yêu Chúa Kitô giữa lòng thế giới.

Gioan Nguyễn