Giáo phận Vinh

Tự sắc Competentias quasdam decernere phân bổ thêm năng quyền

WHĐ (6/5/2022) – Mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành tự sắc Competentias quasdam decernere, ngày 11-02-2022, điều chỉnh lại một số điều trong Bộ Giáo luật Tây Phương và Đông Phương, thêm một số quyền hành và trách nhiệm mục vụ cho các Giám mục và các Bề trên tổng quyền và ủng hộ “các nguyên tắc về tính hợp lý, hiệu lực và hiệu quả”.

Đáng kể nhất là điều 265, thêm khả năng nhập tịch của giáo sĩ vào một Hiệp hội công các giáo sĩ (Associazione pubblica clericale).

Liên quan đến các tu hội đời sống thánh hiến và tu đoàn đời sống tông đồ có ba điều đáng chú ý:

Vị Điều hành tổng quyền (Supremus Moderator, quen gọi là Bề trên tổng quyền) có quyền:

– Ban đặc ân sống ngoài nội vi tới năm năm cho một tu sĩ đã khấn trọn đời (đ. 686);

– Ban đặc ân hồi tục, với sự chấp thuận của ban cố vấn cho tu sĩ đang có lời khấn tạm (đ. 688§2);

– Quyết định, với sự ưng thuận của ban cố vấn, sa thải một một nữ tu đang giữ lời khấn trong những đan viện tự quản (sui iuris) được nói đến ở điều 615 (đ. 699§2).

Dưới đây là những điều luật được tu sửa theo tự sắc Competentias quasdam decernere

Đ. 237

Điều 237§2 mới thay chữ “phê chuẩn” (approvazione) bằng chữ “xác nhận” (conferma). Khi thay như vậy, luật mới tăng thêm quyền cho Hội đồng Giám mục trong việc thành lập một chủng viện liên Giáo phận. Việc “xác nhận” thường bao gồm việc xem xét lại và chấp thuận nếu thấy công việc cấp dưới không có gì trái với Giáo luật hay những quy định riêng.

Đ. 242

Điều 242§1 mới thay chữ “phê chuẩn” (approvazione) bằng chữ “xác nhận” (conferma), ban quyền nhiều hơn cho Hội đồng Giám mục trong việc thiết lập chương trình đào tạo các linh mục trong các đại chủng viện.

Đ. 265

Bất cứ giáo sĩ nào cũng phải nhập tịch hoặc vào một Giáo Hội địa phương hay vào một hạt giám chức tòng nhân, hoặc vào một tu hội thánh hiến hay vào một tu đoàn có năng quyền đó, hoặc ngay cả vào một Hiệp hội công các giáo sĩ (Associazione pubblica clericale); để tuyệt đối không có các giáo sĩ lang thang hoặc không có cấp trên.

Điều 265 mới thêm khả năng nhập tịch của giáo sĩ vào một Hiệp hội công các giáo sĩ (Associazione pubblica clericale). Một hiệp hội, được Giáo luật định nghĩa như là, gồm “hoặc giáo sĩ hoặc giáo dân, hoặc cả giáo sĩ lẫn giáo dân cùng chung sức hoạt động nhằm phát triển một đời sống hoàn thiện hơn, hoặc cổ vũ việc phụng tự công hay học thuyết Kitô giáo, hoặc thực hiện các việc tông đồ khác, như truyền bá Phúc âm, thi hành các việc đạo đức hoặc bác ái, và đem tinh thần Kitô giáo vào lĩnh vực trần thế (đ. 298).

Một hiệp hội là công (public) và có tư cách pháp nhân công khi được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội thiết lập: Tòa Thánh, Hội đồng Giám mục Giám mục giáo phận (đ. 312; đ. 313).

Về vị Điều hành hay Tổng phụ trách của hiệp hội công, nếu quy chế không dự liệu cách khác, thì thuộc về nhà chức trách Giáo hội được nói đến ở trên (đ. 312§1) xác nhận vị điều hành hiệp hội công do chính hiệp hội bầu lên, hoặc cắt đặt người đã được đề cử, hoặc bổ nhiệm theo quyền riêng (đ. 317§1).

Một hiệp hội công cũng rất khó bị giải thể. Ở phạm vi giáo hội địa phương, nó chỉ bị giải thể khi có những lý do nghiêm trọng. Khi đó, Hội Đồng Giám Mục có thể giải thể các hiệp hội do chính mình thành lập; Giám Mục Giáo Phận có thể giải thể các hiệp hội do chính ngài thành lập, và cả những hiệp hội do những thành viên của các hội dòng thành lập nhờ một đặc ân Tông Toà với sự ưng thuận của Giám Mục Giáo Phận (đ. 320§1). Theo nguyên tắc luật này, Giám mục giáo phận kế vị không được giải thể hiệp hội công mà vị tiền nhiệm của mình đã thiết lập.

Đ. 604

Điều 604 triệt 1 và 2 nói đến bậc các trinh nữ. Họ cũng thuộc bậc đời sống thánh hiến nhưng không thuộc các tu hội hay tu đoàn đời sống tông đồ. Họ là những trinh nữ có quyết tâm lành thánh theo sát Đức Kitô, được Giám mục giáo phận thánh hiến cho Thiên Chúa theo nghi thức phụng vụ được phê chuẩn. Các trinh nữ này có thể liên kết với nhau thành hiệp hội để giúp nhau chu toàn việc phục vụ Giáo hội thích hợp với bậc mình. Với triệt ba được thêm vào trong luật mới, các hiệp hội của các trinh nữ có thể được thành lập bởi Giám Mục giáo phận hay HĐGM. Nếu được thành lập như vậy thì hiệp hội đó là hiệp hội công và có tư cách pháp nhân công, có tính bền vững (đ. 120), khó bị giải thể như đã nói trên (đ. 320§1).

Đ. 686

Điều 686§1 mới gia tăng quyền của vị Điều hành tổng quyền, có thể cho phép tu sĩ sống ngoại vi tới mức năm năm, thay vì ba năm như luật cũ.

Đ. 688§2

Điều 688§2 mới ban cho các vị Điều hành tổng quyền, với sự chấp thuận của ban cố vấn, quyền ban đặc ân hồi tục cho tu sĩ đang khấn tạm hay các đan sĩ của các đan viện tự quản (sui iuris), mà không cần sự xác nhận (confermato) của Giám mục giáo phận nơi mà có nhà tu sĩ ấy đã được chỉ định cho đương sự ở (commorari, casa di assegnazione), như trước đây.

Nên phân biệt hai vị Giám mục giáo phận được Giáo luật kể đến trong phạm vi tu hội đời sống thánh hiến: Giám mục nơi tu hội có nhà mẹ và Giám mục nơi mà tu sĩ ấy ở.

Đ. 699§2

Chữ “tự quản” (sui iuris), nhiều khi được dịch là “tự trị”, áp dụng cho một nhà của dòng hoặc một đan viện hay một tu viện (tuy có nhiều ngôi nhà trong một khu vườn nhưng coi như là một nhà), có một Bề trên hay một vị Điều hành riêng mình, mà không có vị Bề trên nào cấp cao hơn. Điều 613 §l cho thấy ý nghĩa của sui iuris: “Một nhà thuộc hội dòng của các kinh sĩ dòng hoặc các đan sĩ, dưới sự lãnh đạo và coi sóc của vị Điều hành riêng, thì tự nó là một nhà tự quản (sui iuris), trừ khi hiến pháp quy định cách khác”.

Thông thường, các tu hội ĐSTH có nhiều cộng đoàn hay nhiều nhà, và có những Bề trên cộng đoàn hay nhà, nhưng tất cả đều dưới quyền một Bề trên tổng quyền. Các tu hội ĐSTH này không được gọi là tự quản (sui iuris). Trong khi đó, trong một đan viện tự quản (sui iuris) chỉ có một Bề trên.

Điều 615 nói đến các đan viện nữ tự quản (sui iuris) nào “mà không có Bề trên cấp cao nào khác ngoài vị Điều hành riêng, và cũng không được liên kết với một tu hội khác của nam tu sĩ, đến nỗi bề trên của chính tu hội này có một quyền thật sự được xác định trong hiến pháp, thì được uỷ thác cho Giám Mục Giáo Phận trông coi cách đặc biệt chiếu theo quy tắc của luật”.

Điều 615 quy định một điều khá đặc biệt, mà nhiều khi các nữ đan sĩ không biết, cứ tưởng mình thuộc luật giáo hoàng, tùy thuộc vào một vị Bề trên tổng quyền nào đó bên Roma. Họ chỉ có một Bề trên của đan viện và họ được trao phó cho Giám mục giáo phận chăm sóc cách đặc biệt.

Trước đây việc ra sắc lệnh sa thải thuộc về Giám mục giáo phận. Bề trên đan viện phải trình lên Giám mục các văn bản về lý do sa thải đã được ban cố vấn của mình xác minh để Giám mục quyết định. Điều 699§2 mới ấn định quyền sa thải thuộc Bề trên của đan viện được nói đến ở điều 615, không thuộc quyền Giám mục nữa.

Đ. 700

Sắc lệnh ban hành việc sa thải đối với một người tuyên khấn có hiệu lực khi nó được thông báo cho đương sự. Tuy nhiên, để sắc lệnh có hiệu lực, nó phải nói rõ tu sĩ bị sa thải vẫn có quyền thượng cầu lên nhà chức trách có thẩm quyền trong vòng mười ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Sự thượng cầu có hiệu lực đình hoãn.

Điều 700 mới, đối với lệnh sa thải một người đang giữ lời khấn trong một tu hội, không còn đòi sự chuẩn y của Tòa Thánh nếu tu hội thuộc luật giáo hoàng; hoặc chuẩn y của Giám mục giáo phận nơi có nhà tu sĩ ấy ở nếu tu hội thuộc luật giáo phận.

Vị Điều hành có quyền sa thải và phải làm việc một cách hiệp đoàn: “Vị điều hành tổng quyền cùng với ban cố vấn phải gồm ít nhất là bốn thành viên mới thành sự, cùng tiến hành cách hiệp đoàn để cân nhắc cẩn thận các bằng chứng, các lý luận và các lời biện hộ; nếu việc sa thải đã được quyết định sau một cuộc bỏ phiếu kín, thì vị điều hành tổng quyền phải ban hành sắc lệnh sa thải, và để được hữu hiệu, sắc lệnh phải trình bày ít là cách sơ lược các lý do theo luật và theo sự kiện” (đ. 699§1).

Điều quan trọng cần lưu ý là sắc lệnh sa thải phải bao gồm hai điều kiện sau đây thì mới hữu hiệu:

– Phải trình bày ít là cách sơ lược các lý do theo luật và theo sự kiện (đ. 699§1);

– Phải nói rõ tu sĩ bị sa thải vẫn có quyền thượng cầu lên nhà chức trách có thẩm quyền trong vòng mười ngày kể từ ngày nhận được thông báo (đ. 700).

Nếu tu sĩ bị sa thải thượng cầu hay khiếu nại lên cấp trên thì hiệu lực của lệnh sa thải bị đình chỉ lại, nghĩa là, những quyền lợi và bổn phận của tu sĩ ấy vẫn như là ở trong tình trạng chưa bị sa thải. Giáo luật quy định điều này để bảo đảm sự xét xử công bằng và đúng đắn, tránh sự lạm quyền.

Đ. 775

Điều 775§2 mới thay chữ “phê chuẩn” (approvazione) bằng chữ “xác nhận” (conferma), ban thêm quyền cho Hội đồng Giám mục trong việc xuất bản các sách giáo lý cho riêng lãnh thổ của mình.

Đ. 1308

Điều 1308§1 mới trao cho Giám mục giáo phận và vị Điều hành tổng quyền của một tu hội ĐSTH hoặc tu đoàn ĐSTĐ giáo sĩ quyền cho giảm bớt các nghĩa vụ dâng Thánh Lễ, mà trước đây được quy định là thuộc quyền Tòa Thánh.

Điều 1310

Điều 1310 mới trao quyền cho Đấng Bản quyền nhiều hơn, không đòi sự nhượng quyền của người lập thiện quỹ về giảm thiểu, điều hành… cho Giám mục như trước đây.

Ghi chú:

Vị “Điều hành tổng quyền” trong Bộ Giáo luật Việt ngữ hiện hành, được dịch từ chữ Supremus Moderator (Moderatore supremo, Supreme Moderator).

Supremus Moderator có nghĩa là người cai quản, điều hành cao nhất.

Đối với hội dòng có nhiều tỉnh dòng thì vị có quyền cao nhất là vị Điều hành tổng quyền (Moderatore supremo). Vị này có quyền trên các Bề trên tỉnh dòng (Superiore provinciale).

Đối với hội dòng không có tỉnh dòng, Bề trên cai quản cả dòng cũng được coi là vị Điều hành tổng quyền (Moderatore supremo), nghĩa là, vị có quyền điều hành cao nhất.

Đối với tu hội đời và tu đoàn đời sống tông đồ, Giáo luật cũng đã dùng chữ vị Điều hành tổng quyền (Moderatore supremo) để chỉ vị lãnh đạo cao nhất.

Nên lưu ý:

Trong Bộ Giáo luật chữ Bề trên (Superiore) hầu như dùng để chỉ vị lãnh đạo trong hội dòng và đan viện, nơi mà địa vị của một Bề trên cần được xác định để tuân giữ lời khấn vâng phục. Vì vậy, từ ngữ “Bề trên”, “Bề trên cả”, “Bề trên tổng quyền” của Giáo luật, mà trước đây khoảng 20 năm vẫn đã thường được dùng nên được sử dụng trở lại. Ngoài ra, còn có lý do khác nữa là: Từ ngữ “Bề trên” (Superiore) đã được Giáo Luật ấn định cho lời khấn dòng “công” phân biệt với lời khấn “tư”.

Điều 1192

Quả là không hợp với điều 1192 §1 nói trên khi đưa từ ngữ Tổng phụ trách vào công thức khấn: “Con là…trong tay chị Tổng Phụ Trách…, con tuyên khấn với Thiên Chúa toàn năng…“. Vì vậy, trong các hội dòng, không nên chuyển đổi từ ngữ “Bề trên” (Superiore) của Giáo luật sang thành “Phụ trách”, “Tổng phụ trách” (Moderatore supremo).

Những từ ngữ “Phụ trách”, “Tổng phụ trách” này chỉ nên dùng cho tu hội đời, vốn không có lời khấn công (public), chỉ có lời khấn tư (private) và tu đoàn đời sống tông đồ, vốn không hoặc chỉ có lời khấn tư.

Tuy gọi “Tổng phụ trách” có thể giúp giảm bớt tính quyền hành trên dưới, các tu sĩ có thể sống tình huynh đệ, tôn trọng lẫn nhau tốt hơn, nhưng lại có thể làm kém đi sự kính trọng Bề trên và thực hiện đức vâng phục, vốn rất được chú trọng trong đời tu, từ bỏ để theo Chúa.

Exit mobile version