Giáo xứ Phú Yên khai mạc tuần chầu

GPVO (5/3/2023) – Vào lúc 15h00 thứ Sáu ngày 3/3/2023, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên đã cử hành thánh lễ khai mạc tuần chầu tại giáo xứ Phú Yên.

Xứ đạo nằm gần biển đã trải bao thăng trầm qua lịch sử hình thành và phát triển. Một mảnh đất được tạo nên bởi những ngư dân bình dị, từ những đồng muối trắng của nhiều hộ gia đình vốn đã gắn với diêm nghiệp từ lâu.

Năm 1870 được coi là mốc khởi đầu của mảnh đất này với cái tên Xóm Mới – Tân Yên. Đến thời Đức Giám mục Andre Eloy Bắc, giáo xứ Phú Yên chính thức thành lập, tách từ xứ mẹ Cẩm Trường vào ngày 14/2/1920.

Từ đây, giáo dân đã từng bước sát cánh bên nhau xây dựng quê nhà, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn nhưng ấm áp tình đoàn kết và tinh thần hiệp thông. Thành quả ban đầu của giáo xứ là ngôi thánh đường được hoàn thành vào năm 1937 – một công trình được xếp vào tốp đầu trong Giáo phận thời bấy giờ về lối kiến trúc. Đó cũng là điểm tựa cho đời sống đức tin của giáo dân, là nơi để bao thế hệ con cháu trưởng thành dưới ánh sáng của Lời Chúa và ngày càng thăng tiến với lòng mộ mến đạo.

Sau năm 1954, những chiếc thuyền nan bao năm gắn bó với Bến Lở – Tân Yên đã ngậm ngùi rời bến, chở một bộ phận rất lớn con cái di cư vào miền Nam và định cư tại Phan Thiết, Hàm Tân, .v.v.  Sau chiến cuộc 1975, lại một lần nữa, những chiếc thuyền Tân Yên phải âm thầm ra đi trong nỗi đau đứt ruột để rồi trải qua một chặng hành trình rất dài, họ đã bước lên những bờ bến mới: Hoa Kỳ, Pháp, Úc, .v.v.

Phú Yên được biết đến như là một mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, một giáo xứ đã dâng cho Thiên Chúa nhiều linh  mục và tu sĩ, một vùng quê là cội nguồn sản sinh ra biết bao nhiêu người con ưu tú đã và đang phục vụ giữa lòng Giáo hội và xã hội. Những năm gần đây, truyền thống đó còn được đánh dấu bằng những thành tích ấn tượng trong công tác đào tạo giáo lý với 17 năm liên tiếp đứng hạng nhất toàn giáo hạt.

Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phụ tá mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy niệm và ý thức về thân thể của mỗi người là đền thờ ngự trị của Thiên Chúa. Ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội, linh hồn và thân xác của mỗi người được thánh hiến để trở nên nơi dành riêng cho Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa không chỉ ngự trị trong những đền thờ do tay con người làm ra, cũng không chỉ ngự trong những ngôi đền bằng gỗ bằng đá nhưng đặc biệt, Người ngự trị trong linh hồn đã được dựng nên giống hình ảnh Người và do chính tay Người xây nên” (St 1,26). Vì thế, thánh Phaolô Tông đồ đã nói: “Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em” (1 Cr 3,16-17). Do đó, mỗi người phải tôn trọng đền thờ của Chúa Ba Ngôi là thân xác mỗi người như lời Chúa Giêsu: “Ai yêu mến Thầy và tuân giữ lời Thầy, Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 21).

Đức Giêsu chính là đền thờ sống động. Nơi đó, mỗi người được gặp gỡ Thiên Chúa là Cha và được nối kết với mọi người là anh em và nhận được tình yêu tràn đầy mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chính trong Đức Giêsu, mỗi người cũng tìm lại được sự thánh thiện nguyên thuỷ dư đầy của mình vốn là hình ảnh của Thiên Chúa mà Ađam và Evà đã đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng.

Trong những ngày Mùa Chay này, mỗi người hãy năng tự kiểm điểm chính mình để tìm ra những điều làm cho đền thờ tâm hồn mình ra ô uế rồi quyết tâm tu sửa, mỗi người cần tập luyện các nhân đức đối lập với thói hư. Cụ thể, cần tập hai nhân đức quan trọng này là hiền lành và khiêm nhường để nên giống Đức Giêsu như Người đã dạy: “Hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Tâm Quảng