Diễn từ của Đức hồng y Christophe Pierre tại Đại hội Thánh Thể Quốc gia Hoa Kỳ 2024

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!

Tôi vui mừng được hiện diện cùng với tất cả anh chị em tại Đại hội Thánh Thể Toàn quốc này, một cuộc lễ lịch sử của đất nước này. Xin cám ơn Đức Cha Cozzens vì công việc không mệt mỏi của ngài trong công tác hướng dẫn Cuộc Phục hưng Thánh Thể này. Xin cảm ơn ông Tim Glemkowski và các thành viên trong ban lãnh đạo cũng như tất cả những người đã giúp chuẩn bị cho Đại hội này. Tôi cầu xin để công việc phục vụ tận tuỵ của anh chị em có thể được đền đáp bằng cuộc gặp gỡ đầy an ủi với Đức Kitô trong những ngày này.

Anh chị em thân mến,

Tôi đến đây với tư cách là đại diện cá nhân của Đức Thánh Cha tại Hoa Kỳ. Như vậy, sự hiện diện của tôi ở đây là một cách để bày tỏ sự gần gũi tinh thần của Đức Thánh Cha với anh chị em và sự kết hợp của ngài với anh chị em và với đất nước này. Như Công đồng Vaticanô II dạy: “Đức Giáo Hoàng Rôma, với tư cách là người kế vị Thánh Phêrô, là nguyên tắc và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình cho sự hợp nhất giữa các Giám mục và các tín hữu.”[1] Đây quả là một hồng ân lớn lao biết bao! Thật là một món quà tuyệt vời khi chúng ta có thể hợp nhất như một Hội Thánh qua Đức Thánh Cha. Đồng thời, điều nối kết chúng ta tại Đại hội này là Bí tích Thánh Thể, cũng là một món quà cả thể cho sự hợp nhất. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Bí tích Thánh Thể là bí tích và nguồn mạch của sự hợp nhất của Hội Thánh.”[2] Chúng ta không cần phải tìm kiếm sự hợp nhất ở bất cứ nơi nào khác, nhưng ngay trong Bí tích Thánh Thể.

Có lẽ lời cầu nguyện chính của chúng ta trong Đại hội Thánh Thể này là: Cầu cho chúng ta, như một Hội Thánh, có thể lớn lên trong sự hợp nhất, để chúng ta trở nên hiệu quả hơn trong sứ mạng của mình. Đây là lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dâng lên Chúa Cha trong đêm Người thiết lập Bí tích Thánh Thể: “Xin cho chúng được nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để chúng cũng ở trong Chúng Ta, để Chúa thế gian có thể tin rằng Cha đã sai con[3]

Để nhận ra sự hợp nhất mà Chúa mong muốn chúng ta có được, tôi nghĩ rằng thật hữu ích nếu chúng ta quay trở lại một câu hỏi cơ bản. (Thông thường, những câu hỏi cơ bản nhất lại là những câu hỏi quan trọng nhất!) Câu hỏi tôi muốn suy niệm là: “Phục hưng Thánh Thể” là gì? Và để làm cho câu hỏi nảy trở nên cá nhân hơn: Làm sao chúng ta biết rằng chúng ta đang trải nghiệm sự Phục hưng Thánh Thể?

Trong vài năm qua, chúng ta đã là một phần của nỗ lực được tổ chức cực kỳ chu đáo nhằm tập trung trí khôn và tâm hồn của người Công giáo vào sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta đã thực hiện nỗ lực này tại các giáo xứ, giáo phận của chúng ta, và bây giờ ở cấp quốc gia – tất cả những điều này đã và đang được xây dựng trên một loại cao trào cho đến hôm nay. Ở mọi cấp, chúng ta đã thấy càng ngày càng có nhiều cơ hội để chầu và lãnh phép lành Thánh Thể. Đã có những bài giáo lý về Bí tích Thánh Thể và tất nhiên là các cuộc rước kiệu. Bằng cách trưng bày Mình Thánh Chúa để tôn thờ và gia tăng các hành vi sùng kính, chúng ta một lần nữa thu hút sự chú ý đến Bí tích Cực Trọng này nhằm “khơi động” một đức tin được đổi mới, cả trong những anh chị em Công giáo của chúng ta lẫn trong chính chúng ta. Chúng ta thậm chí còn thu hút sự tò mò của những người có những niềm tin khác.

Và nói thật rõ ràng là tất cả những điều đó đều tốt! Nhưng quay trở lại câu hỏi ban đầu: Phục hưng Thánh Thể là gì? Chúng ta biết rằng một cuộc phục hưng như vậy, tuy luôn đi kèm với việc tôn sùng Bí tích, nhưng cũng phải vượt ra ngoài những thực hành sùng kính. Khi chúng ta thực sự được “phục hưng” bởi Bí tích Thánh Thể, thì cuộc gặp gỡ của chúng ta với sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Bí tích sẽ mở ra cho chúng ta một cuộc gặp gỡ với Người trong những lúc khác của cuộc đời chúng ta. Điều này có nghĩa là đi đến đâu chúng ta cũng thấy Người. Nó có nghĩa là gặp gỡ Người trong những tương tác mà chúng ta có với người khác. Người không những chỉ hiện diện trong gia đình, bạn bè và cộng đồng của chúng ta; mà Người cũng hiện diện trong các cuộc gặp gỡ của chúng ta với những người mà nếu không có sự hiện diện của Người thì chúng ta sẽ coi họ là “xa cách”.

Điều này có thể bao gồm những người thuộc một tầng lớp kinh tế hoặc chủng tộc khác, những người thách thức cách suy nghĩ của chúng ta và những người có quan điểm được hình thành từ những kinh nghiệm rất khác với chúng ta. Khi chúng ta gặp những người như vậy – và khi luận lý cạnh tranh của thế gian thúc giục chúng ta trở nên phòng thủ – Đức Kitô hiện diện để làm cầu nối. Đức Kitô, Trưởng Tử của mọi thụ tạo, muốn trở thành cầu nối giữa những con người là phần tử của cùng một gia đình nhân loại: những con người là con cái của cùng một Cha Trên Trời, và số mệnh của họ là được kếp hợp trong Tình Yêu trong cùng một gia đình vĩnh cửu. Nếu chúng ta đang trải nghiệm “sự Phục hưng Thánh Thể” thực sự, thì một trong những dấu chỉ sẽ là một phong trào lớn hơn về phía chúng ta nhằm xây dựng những nhịp cầu hợp nhất.

Tại sao sự tham gia của chúng ta với Bí tích Thánh Thể thúc đẩy chúng ta hướng tới sự hợp nhất? Bởi vì, khi cử hành Thánh Lễ, chúng ta cảm nghiệm được Đấng đã bắc chiếc cầu đầu tiên, Đấng đã vượt qua khoảng cách và trở nên một với chúng ta, và ngay cả khi chúng ta xa cách Người. Đây là Đấng ở cùng chúng ta, hiện diện trong những thực tại phức tạp nhưng cụ thể của đời sống hằng ngày của chúng ta. Và vì vậy, tin vào sự hiện diện thật của Đức Kitô không chỉ để nói: Trong hình bánh và rượu này có Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Người. Tất nhiên đó là sự thật! Nhưng Đức Kitô cũng hiện diện trong cộng đồng những kẻ tin Người. Không chỉ vậy, Người còn hiện diện với những con người đang gắng sức để liên kết với Người vì những vết thương, sợ hãi và tội lỗi. Chúng ta cần ở đó với Người, đồng hành với những con người như vậy và giúp họ trải nghiệm sự hiện diện thật của tình yêu Đức Kitô.

Việc Chầu Thánh Thể là điều cần thiết cho mối quan hệ của chúng ta với Đức Kitô – nhưng điều quan trọng là chúng ta phải coi nó như một mối quan hệ. Nếu trong việc Chầu Thánh Thể, chúng ta chỉ coi Bí tích Thánh Thể như một “đối tượng” để chiêm ngưỡng, thì chúng ta sẽ vẫn “ở bên ngoài”. Thờ phượng Đức Kitô là liên hệ với Người. Đức Thánh Cha Bênêđíctô giải thích: “Từ Latin cho Chầu hay tôn thờ là ad-oratio – tiếp xúc bằng miệng, một nụ hôn, một cái ôm, và do đó, cuối cùng là tình yêu. Sự vâng phục trở thành sự kết hợp, bởi vì Đấng mà chúng ta vâng phục là Tình Yêu. Bằng cách này, sự vâng phục có được một ý nghĩa, bởi vì nó không áp đặt bất cứ điều gì trên chúng ta từ bên ngoài, nhưng giải thoát chúng ta tận đáy lòng.”[4]

Khi liên hệ với Đức Kitô bằng cách này qua việc tôn thờ, chúng ta cũng có thể liên hệ với người khác bằng một cách là tôn kính sự hiện diện của Thiên Chúa nơi họ. Tôi nhớ, mẹ tôi kể cho tôi nghe, “con biết, trong nhà thờ, khi Mình Thánh Chúa được rước từ bàn thờ đến Nhà tạm, mọi người đều đứng dậy”. Anh chị em có đứng lên khi con cái, bạn bè, thậm chí cả kẻ thù của anh chị em đã lãnh nhận Thánh Thể trong mình không? Sự khác biệt là gì?

Vì vậy, đây chính là ý nghĩa của việc sống một “đời sống Thánh Thể” thực sự. Sự tôn thờ tràn vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta: cuộc sống trong sự liên hệ với người khác của chúng ta, cách chúng ta nhìn người khác. Khi chúng ta thực sự được phục hưng nhờ Bí tích Thánh Thể, nghĩa là được biến đổi nhờ Bí tích Thánh Thể, thì chúng ta không còn như cũ nữa. Khi chúng ta tiếp nhận Đức Kitô, không chỉ bề ngoài và một phần, mà còn bề trong và trọn vẹn, thì chúng ta bắt đầu nhìn một cách khác. Chúng ta nhìn bằng cặp mắt của Đức Kitô; chúng ta nhìn thấy thực tại bằng cặp mắt của Người. Chúng ta nghĩ một cách khác, bởi vì, như Thánh Phaolô nói, “chúng ta có tâm trí của Đức Kitô.”[5]

Vì thế, cuộc Phục hưng Thánh Thể phải liên hệ với việc hoán cải mục vụ. Các anh chị em nhớ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về hoán cải mục vụ. Những vấn đề mà sứ vụ truyền giáo của chúng ta phải đối mặt không phải là những vấn đề mà chúng ta có thể tự mình giải quyết được. Làm sao để đối phó với thời hiện đại, làm sao để yêu thương những người có suy nghĩ khác chúng ta, làm sao để vượt qua sự chia rẽ và làm sao để đương đầu với đau khổ: đây không phải những vấn đề được giải quyết bằng các giải pháp thuộc khả năng của con người. Chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới có thể hàn gắn chia rẽ, cứu chuộc đau khổ và nói lời cứu rỗi cho những ai đang bị sự lừa dối giam giữ. Quyền năng của Thiên Chúa đến với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Nhưng chúng ta không thể trở thành những người đại diện cho quyền năng của Thiên Chúa nếu chúng ta nhất quyết muốn nhìn giống nhau, suy nghĩ giống nhau và kiểm soát những món quà của Thiên Chúa. Đây là điều tồi tệ nhất. Chúng ta đòi làm người quản trò. Chúng ta phải để cho mình được Thánh Thần của Thiên Chúa chiếm hữu và phải đi đến nơi Thánh Thần dẫn đến.

Hãy thành thật. Hãy chân thành. Tất cả mọi người chúng ta đều sợ đi đến nơi mà Thánh Thần dẫn đến. Điều đó có đúng không? Có lẽ đây sẽ là hoa quả chính của cuộc Phục hưng Thánh Thể. Trở thành một dân tộc được Thánh Thần sinh động hoá. Một dân tộc có thể lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Anh chị em nhớ khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói về tính hiệp hành, ngài nói, bước đầu tiên chính xác là: Hãy lắng nghe nhau và lắng nghe Chúa Thánh Thần nơi con người mà chúng ta lắng nghe. Hoa trái của sự Phưng Thánh Thể.

Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho cuộc Phục hưng Thánh Thể thực sự. Nguyện xin sự phục hưng này mở mắt chúng ta để thấy những cách mà Đức Kitô đang sống và hoạt động trong thực tại trước mắt chúng ta, và ước mong nó thúc đẩy chúng ta tham gia cùng Người trong công việc của Người.

Tôi khuyến khích anh chị em, trong những ngày tôn thờ Thánh Thể này, hãy để Chúa tỏ lộ cho anh chị em bất kỳ nơi nào có sự chống cự. Anh chị em biết chống cự là gì. Chúng ta có đủ mọi loại chống cự. Anh chị em biết, chúng ta muốn, nhưng không. Đức Thánh Cha Phanxicô nói về việc ở lỳ lại trong vùng thoải mái của mình. Thậm chí, anh chị em biết, Hội Thánh có thể là vùng thoải mái của chúng ta, phải không?

“Không sao, tôi không đồng ý với bạn, nhưng tôi thấy thoải mái với ý kiến ​​của mình!”. “Chúng tôi cần thời gian để suy nghĩ về điều đó”. Thông thường, chúng ta chống lại công việc của Đức Kitô khi chúng ta sợ từ bỏ sự hiểu biết và kiểm soát của mình, sợ để cho sự khôn ngoan và quyền năng của Người dẫn dắt. Nhưng Bí tích Thánh Thể là một món quà từ Thiên Chúa. Chúng ta không tạo ra Bí tích Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận nó, nhưng bằng cách từ bỏ sự phụ thuộc vào những điều chắc chắn của chính mình, những kế hoạch riêng, những chương trình riêng của mình… Anh chị em biết, chúng ta có tất cả các chương trình riêng, và chúng ta đủ thông minh để làm theo chương trình của mình và tự thuyết phục rằng chương trình của mình tốt hơn chương trình của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa không có chương trình. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Và Ngài dẫn dắt chúng ta bằng Tình Yêu. Không phải để thao túng chúng ta. Không phải để thi hành được chương trình của Ngài. Ngài là Đấng duy nhất có thể dẫn chúng ta đến cuộc sống mới. Bằng cách bước theo Ngài, chúng ta có thể trở thành những tông đồ đích thực của Vương quốc của Ngài.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

——————————————–

Nguồn https://ncchm-us.org/cardinal-pierre-address-to-us-eucharistic-congress-2024/

[1] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh, Lumen Gentium, 21 tháng 11 năm 1964, 23.

[2] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Triều Yết Chung, 8 tháng 11 năm 2000, 1.

[3] Ga 17:21.

[4] ĐTC Bênêđictô XVI, Bài Giảng trong Dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới XX, Cologne, Đức, 21 tháng 8 năm 2005.

[5] 1 Côrintô 2:16.