Tại sao nên là người Công giáo?

americamagazine.org (07/08/2024) – “Con là Đá, trên viên Đá này Ta xây Giáo hội muôn đời vinh quang.” Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta một trong những thành phần cốt lõi của đức tin: thể chế Giáo hội. Tại sao nên là người Công giáo? Vì sao chúng ta nên tham gia vào đời sống tôn giáo được tổ chức xung quanh thể chế của con người, dù được Chúa hướng dẫn, nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi tội lỗi của những người xây dựng thể chế này? Thể chế Giáo hội có mục đích gì? Khi bạn bè và gia đình hỏi tôi vì sao tôi trả lời “có” với đức tin công giáo và Giáo hội công giáo, theo bản năng tôi sẽ tìm đến thần học cơ bản. Tôi thường trích dẫn quan điểm tương đối khoan dung của Công đồng Trent về bản chất con người ngược với quan điểm cấm đoán, đầy lửa và lưu huỳnh của giáo phái Calvin về sự tan vỡ vốn có của con người. Nhưng đoạn Phúc âm Thánh Mattêô đề cập đến một khía cạnh của Phúc âm mà tôi đặt vào trọng tâm đức tin của tôi: tình yêu và sự tin tưởng Chúa Giêsu đặt vào chúng ta khi giao cho chúng ta sứ mệnh xây dựng Giáo hội của Ngài.

Bằng cách biến Phêrô thành tảng đá để Giáo hội công giáo được xây dựng. Chúa Giêsu nhắc chúng ta chân lý cốt yếu: Ở bên này cõi vĩnh hằng, đức tin của chúng ta phải được người khác truyền qua. Mỗi chúng ta cần vun đắp mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu, nhưng đời sống kitô hữu sẽ không trọn vẹn nếu chúng ta không hiệp thông với người khác. Giáo hội không phải là một thực thể trừu tượng, không chỉ là khái niệm thần học, Giáo hội là cộng đồng cụ thể, hiện thân của con người trần thế – những người như bạn, như tôi hoặc như Thánh Phêrô. Tại sao phải theo công giáo? Tại sao phải là một phần của Giáo hội? Vì Chúa Giêsu ở đó.

Chúng ta có phải hoàn hảo để hiện thân cho Giáo hội không? Bản thân Giáo hội có hoàn hảo không? Lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô cho chúng ta hiểu ngược lại: “Hãy lui sau Ta, Satan! Ngươi là chướng ngại cho Ta. Ngươi không suy nghĩ như Thiên Chúa, mà theo cách con người.” Đây là một trong những đoạn Kinh thánh khó hiểu khi đọc lần đầu, nhưng những gì đoạn này dạy chúng ta về Giáo hội, về tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta là điều cốt yếu. Có thể nói gì về những thiếu sót của Giáo hội khi Chúa Giêsu gọi tảng đá của Ngài, môn đệ tin cậy nhất của Ngài là Satan? Khi Chúa Giêsu thành lập Giáo hội của Ngài trên trái đất này, Ngài đã tính đến những điểm yếu, những thiếu sót và tội lỗi của chúng ta. Người biết chúng ta sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng, rằng cái tôi và hệ tư tưởng của con người thường cản trở tình yêu của Ngài. Tuy nhiên, dù Ngài đã khiển trách Thánh Phêrô đã hành động theo những thôi thúc nhỏ nhặt của bản chất không hoàn hảo của con người, Ngài vẫn tin vào Thánh Phêrô để phục vụ tảng đá của Ngài, vì dù sai lầm, Thánh Phêrô đã tin vào Chúa Giêsu để nói Ngài là Đấng Kitô, Con Đức Chúa Trời hằng sống.

Đức tin của Thánh Phêrô tồn tại song song với những sai lầm của ngài nhưng cuối cùng đức tin đã giúp ngài vượt lên, trở thành tấm gương cho tất cả chúng ta, những người đang đấu tranh với những lỗi lầm của chính mình nhưng vẫn cố gắng phát triển đức tin và tình yêu. Cũng vậy, Giáo hội trong sự phức tạp rất nhân bản của mình đã hướng chúng ta đến tình yêu của Chúa Giêsu. Chúng ta, con người, là sứ giả của tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa trên thế giới này; khi chúng ta tụ họp với nhau trong Giáo hội hoàn vũ (katholikos) và gặp gỡ nhau, chúng ta gặp gỡ Đấng đã ban cho con người giống Ngài, giao cho chúng ta chìa khóa Vương quốc Thiên đàng.

Connor Hartigan | Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch